Liên quan đến đám mây khổng lồ có màu đen kịt xuất hiện trên bầu trời Sầm Sơn vào chiều tối 3/8, đến chiều 6/8, Đài KTTV Thanh Hóa đã có báo cáo chính thức.
Theo thông tin Đài cung cấp, độ cao chân mây khoảng 500 – 600m, màu đen kịt, hình dáng lạ và không gây ra thời tiết nguy hiểm như gió mạnh, sét, hay tố lốc hoặc mưa đá.
Sau khi đám mây tan, trời có mưa rào nhẹ, gió Tây Tây Nam cấp 2, cấp 3 (tức 2 – 5m/s), không gây ra thiệt hại hay ảnh hưởng gì.
Hình ảnh đám mây khổng lồ trên biển Sầm Sơn ngày 3/8.
Đám mây ban đầu xuất hiện ở phía Đông Nam TP Sầm Sơn và di chuyển nhanh về phía Tây Bắc. Tuy nhiên, nó chỉ tồn tại khoảng từ 7 – 10 phút thì tan rã, phát triển thành mây tầng trung.
Nhiều du khách đã ghi lại cảnh tượng lạ này.
Cũng theo Đài KTTV Thanh Hóa, đây là đám mây vũ tích tầng thấp, hình thành và tan đi rất nhanh. Do không cùng thời điểm quan trắc nên các trạm khí tượng và radar thời tiết không phát hiện được.
Tuy nhiên, qua xem xét và phân tích hình ảnh về đám mây mà người dân chụp được, Đài KTTV tỉnh Thanh Hóa nhận định, đây là hiện tượng lạ, hiếm thấy về hoạt động của mây trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Mặc dù hiếm gặp ở Việt Nam, nhưng hiện tượng này không lạ với nước Mỹ. (Ảnh: Internet)
Trước đó, mạng xã lan truyền hình ảnh về đám mây khổng lồ, kỳ lạ trên bầu trời Sầm Sơn. Theo người dân và du khách chứng kiến, khoảng hơn 18h ngày 3/8, khi nhiều du khách đang tắm và dạo chơi trên bãi biển thì họ nhìn thấy một đám mây đen khổng lồ có hình dạng như một cơn lốc xoáy đang bao trùm lấy bầu trời.
Video: Đám mây kỳ lạ như ‘nuốt chửng’ biển Sầm Sơn (Nguồn: Đình Ban)
Nhiều người hoảng hốt, lo sợ nhưng cũng nhiều du khách thích thú, tranh thủ ghi lại cảnh tượng hiếm gặp này chia sẻ với bạn bè. Tuy nhiên, có nhiều người cho rằng, hình ảnh này là sản phẩm của photoshop.
Theo giới khoa học lý giải, hiện tượng này được gọi là Supercell Cloud, nó thường xuyên xảy ra ở nước Mỹ.
Hiện tượng này xuất hiện khi những đám mây xoay liên tục theo chiều thẳng đứng kèm theo mưa đá, gió lớn và sét. Nó còn được mệnh danh là “mẹ của vòi rồng” vì có khả năng tạo ra lốc xoáy. Supercell cloud có độ cao lên tới 10km, phạm vi lớn và có thể mở rộng ra xung quanh.
Chúng thường xảy ra với những cơn bão ở những nơi tách biệt, có thể kéo dài đến hàng giờ, đôi khi tự tách làm 2 cơn bão, một di chuyển sang trái và một lại sang phải. Những cơn bão Supercell có hình dạng kì vĩ khi nhìn từ khoảng cách an toàn và được nhiều nhiếp ảnh gia yêu thích và săn đuổi.