T6. Th11 15th, 2024

Tôi thực sự cùng cực nên khi nghe như thế thì cố hết sức thành tâm tưởng tượng ra hình ảnh Quan âm Bồ Tát, một tay cầm nhành liễu, một tay cầm bình cam lồ, khuôn mặt hiền hậu … và niệm danh hiệu Ngài cầu khẩn thiết tha.

> Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Ăn chay tại đây

Năm 2006, tôi mang thai bé thứ hai. Vì muốn con sinh ra được cứng cáp, mạnh khỏe, tôi đã thực hiện chế độ dinh dưỡng rất đặc biệt. Ngoài thức ăn thường nhật và sữa bầu thì cứ cách ngày tôi lại ăn tôm cua, hải sản, trứng vịt lộn. Vì muốn ăn ngon và an toàn vệ sinh, vợ chồng tôi thường xuyên mua tôm cua, nghêu sò tươi sống về trữ sẵn trong nhà, khi cần là nấu ăn ngay.

Tôi duy trì tẩm bổ như thế đến tuần thai thứ 28 thì có hiện tượng chảy máu, phải khẩn trương cấp cứu. Nằm viện hơn một tuần, tôi được về nhà. Lúc này, tôi vẫn mua tôm tươi nhảy tanh tách về nấu ăn. Về nhà được hai ngày, tôi bị vỡ ối, lại phải đi cấp cứu. Bác sĩ theo dõi ca trực bảo với vợ chồng tôi rằng bác sẽ cố gắng hết sức, nhưng không dám bảo đảm gì cả. Tất cả trông chờ vào phúc đức của mẹ con tôi được bao nhiêu mới mong cháu bé có thể sống và sinh ra khỏe mạnh.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tôi sốc lịm người và như chết lặng: “Trời ơi! Chuyện gì đang xảy ra với mẹ con tôi vậy?” Nhưng chính ngay giây phút đó, có một ý nghĩ thoáng qua rằng: “Ông bác sĩ này là giáo sư tiến sĩ, người của khoa học mà sao lại tin vào phúc đức nhỉ?”

Tôi sinh non, cháu bé mới được hơn 30 tuần tuổi, cân nặng chỉ 1,7 kg, vừa sinh ra đã phải chuyển cấp cứu lên bệnh viện Nhi. Sau đó, bác sĩ xác định con tôi bị thông liên thất tim. Vài hôm sau cháu bị nhiễm trùng máu, vài hôm nữa bị vàng da, bị bong tróc võng mạc … Hàng ngày, nằm ngoài hành lang phòng cấp cứu sơ sinh chờ được thông báo tình hình con mà đầu óc tôi trống rỗng. Thỉnh thoảng tôi nghe tiếng khóc nức nở của một mẹ nào đó, giọng nghẹn ngào của một gia đình khi bác sĩ gọi vào phòng nói chuyện riêng, khiến tôi càng thấy lo sợ.

Trong lúc thảm hại như thế, những người mẹ bất lực động viên nhau. Người theo Thiên Chúa thì bảo cầu Đức Mẹ bề trên, người theo Phật giáo thì khuyên cầu Quan Âm Bồ Tát. Tôi thực sự cùng cực nên khi nghe như thế thì cố hết sức thành tâm tưởng tượng ra hình ảnh Quan âm Bồ Tát, một tay cầm nhành liễu, một tay cầm bình cam lồ, khuôn mặt hiền hậu … và niệm danh hiệu Ngài cầu khẩn thiết tha.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tôi trì niệm liên tục. Hai, ba hôm sau thì cháu được đưa lên phòng chăm sóc, không ở khu cấp cứu nữa. Quá bất ngờ về điều này, tôi lại càng tin tưởng và không quên việc trì niệm. Cuối cùng sau gần một tháng ở bệnh viện, con tôi được xuất viện với khoản phí tổn gần trăm triệu đồng, tương đương với mười lượng vàng trong thời điểm đó.

Ai nuôi con sinh non sẽ thấu hiểu nỗi vất vả gấp nhiều lần nuôi trẻ sinh đủ tháng. Suốt thời gian sau đó, tôi đầu bù tóc rối đưa con đi khắp các bệnh viện trong thành phố, từ Trung Tâm Dinh dưỡng, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Viện Tim, đến mức thuộc hết đường ngang lối tắt.

Một ngày nọ, tôi sinh tâm so sánh với mấy người bạn: “Sao người ta sinh con và nuôi con đơn giản mà tôi khó khăn đến vậy?” Tôi dò hỏi họ về thắc mắc của mình. Bạn tôi là người đã học và làm theo lời Phật dạy được mấy năm nay. Họ rất ý thức về việc tuyệt đối không sát sinh, không bảo người khác sát sinh, đặc biệt trong thời gian mang thai. Hơn thế nữa, họ thường chăm chỉ đi phóng sinh. Có bạn thì nói đọc kinh Địa tạng, có bạn thì nói bạn trì chú Om Mani Padme Hum của Đức Quán Âm Bồ Tát …

Rồi tôi xâu chuỗi lại những lời bạn nói, lời bác sĩ đỡ đẻ cho tôi bảo do phần phước đức của mẹ con tôi, kiểm điểm hành động trong thời kỳ mang thai của mình và cảm thấy cực kỳ kinh sợ. Tìm hiểu Phật pháp sâu sắc hơn, tôi mới biết rằng sát sinh là nghiệp rất xấu cần phải tránh. Khi đọc được câu: “Tất cả những khổ đau, bệnh tật, rủi ro mà chúng ta phải chịu đều đến từ việc chúng ta đã từng làm hại đến sức khoẻ, tính mạng hoặc tinh thần của những chúng sinh khác.”

Tôi ngỡ ngàng nhận ra: “Ôi! Hóa ra chính thói quen hay ăn đồ tươi sống, trực tiếp sát hại hoặc bảo người khác giết các loại tôm, cua, nghêu sò … là nguyên nhân gián tiếp khiến con tôi bị những điều như thế.”Tôi vô cùng ăn năn sám hối hàng ngày và quyết tâm không lặp lại việc này bất kỳ lần nào nữa. Bên cạnh đó, tôi chăm chỉ thực hành trong cuộc sống hàng ngày theo bài thơ Phật dạy:

“Không làm các điều ác

Làm tất các điều lành

Tịnh hoá tâm ý mình

Là lời chư Phật dạy.”

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Việc thực hành lời Phật dạy thật sự không dễ gì, nhưng không phải là không làm được. Tôi làm từng bước một. Thay vì mua tôm cá sống thì tôi đi siêu thị mua thức ăn đóng gói sẵn. Trong thực đơn của gia đình tôi nhiều khi có cả đồ chay. Lúc đầu chưa quen, nhưng dần dần mọi người đều vui vẻ. Cả gia đình tôi duy trì đi phóng sinh ít nhất hai lần trong tháng. Tôi khuyến khích các con để dành tiền quà sáng, tiền được lì xì dịp Tết để góp vào quỹ phẫu thuật cho các bé bị tim bẩm sinh và các bệnh nhân ung thư.

Bản thân tôi thực hành “Thiểu dục tri túc”. Tôi tiết chế nhu cầu bản thân, nhìn xuống những cảnh đời cơ cực hơn mình và luôn cảm thấy biết ơn, và luôn cảm thấy mình may mắn. Gia đình chúng tôi kiên trì thực hành lời Phật dạy như thế. Mỗi năm tôi đều đưa con đi khám tim định kỳ. Và thật may mắn, tháng 11 năm 2016 vừa qua, bác sĩ Viện Tim đã xác định con tôi hoàn toàn lành lặn tật thông liên thất tim. Hiện tại cháu phát triển như trẻ bình thường, cao 150 cm và nặng 38 kg.

Tôi đã chuyển hóa được nỗi khổ, niềm đau với tật bệnh của con mình như thế. Mong rằng các bạn đang có bệnh trong người luôn lạc quan, tin sâu nhân quả và làm theo lời Phật dạy. Chúng ta cần thật sự cẩn trọng trong mọi hành động dù nhỏ nhất, vì “gieo nhân nào gặt quả nấy”. Chúc tất cả chúng ta luôn gieo nhân đúng đắn để gặt hái những quả ngọt cho đời

By admin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *