T4. Th12 11th, 2024

Trung QuốcBị tuyên tử hình sau hai lần vượt ngục, Lý Hồng Đào được tòa sửa án ngay trước ngày ra pháp trường nhờ có phát minh lịch sử mang lại giá trị lớn cho đất nước.

Lý Hồng Đào sinh năm 1966 ở tỉnh Hồ Bắc, từ nhỏ có thành tích học tập xuất sắc. Năm 14 tuổi, Đào giành giải Nhì cuộc thi học sinh giỏi Toán cấp quốc gia, nhận danh hiệu “Thanh niên ưu tú”. Bốn năm sau, Đào thi đậu khoa Điện tử của Đại học Chiết Giang. Sau khi tốt nghiệp, Đào đến thành phố Côn Minh cùng bạn gái, được phân công làm việc trong một xí nghiệp quốc doanh có chế độ phúc lợi tốt, không bao lâu sau thì kết hôn.

Vốn có cuộc sống yên ả tốt đẹp, nhưng Đào không thỏa mãn với quỹ đạo nhàm chán, ngày nào cũng như ngày nào. Anh ta bắt đầu ngoại tình với nữ sinh viên. Khi việc bại lộ, hai vợ chồng cãi vã gay gắt, khiến Đào không còn thiết tha với đời sống tình cảm, thậm chí nảy sinh tư tưởng chán đời.

Dưới sự khuyên nhủ và động viên của bạn bè, Đào dồn tâm huyết vào sự nghiệp. Muốn khởi nghiệp nhưng thiếu vốn, Đào nghĩ ra cách kiếm tiền phạm pháp. Anh ta làm giả con dấu của một công ty, lừa ngân hàng chuyển khoản 80.000 nhân dân tệ, một số tiền rất lớn vào năm 1990.

Thấy kiếm tiền quá dễ dàng, Đào không muốn khởi nghiệp nữa mà tiếp tục đi lừa đảo. Tuy nhiên lần này, anh ta bị giám đốc ngân hàng phát hiện điểm đáng ngờ trong hợp đồng, tra ra Đào là kẻ giả mạo nên báo cảnh sát.

Chỉ hai ngày sau khi bị bắt, Đào tự mở khóa còng tay, bỏ trốn khỏi đồn nhân lúc cảnh sát đang ăn vào tối 18/4/1992. Anh ta không cao bay xa chạy ngay mà về nhà để lấy bộ dụng cụ sửa chữa điện tự chế. Sau đó, Đào ngồi tàu hỏa rời Côn Minh, đến Quý Dương.

Đang chạy trốn cảnh sát nhưng Đào không giữ kín hành tung, tiếp tục gây án ngay khi đến Quý Dương, ngày 26/4/1992. Mục tiêu của anh ta là một chiếc Audi nhập khẩu, giá trị xa xỉ, cả thành phố có không đến 5 chiếc. Nhìn thấy xe đậu bên đường, Đào lập tức bị mê hoặc. Không dùng gậy, đá đập vỡ cửa kính để lấy xe như những tên trộm khác, Đào lặng lẽ đứng đợi chủ xe ở góc đường suốt 5 tiếng đồng hồ. Sau đó anh ta chủ động tới gần bắt chuyện cùng chủ xe, tỏ ra rất hiểu biết về chức năng của xe, thậm chí mượn được chìa khóa để xem trong nửa phút.

Chỉ trong nửa phút ngắn ngủi, Đào đã ghi nhớ kích thước và cấu trúc bánh răng của chìa khóa. Tối đó, anh ta làm ra một chiếc chìa khóa khác giống hệt dựa trên trí nhớ. Nửa đêm, Đào tìm đến nhà chủ xe theo địa chỉ dò hỏi được khi trò chuyện, dễ dàng lái chiếc Audi đậu bên ngoài đi. Sau vài ngày lái xe, Đào thấy chán nên đã bỏ xe lại sau khi đến thành phố Nam Ninh, Quảng Tây.

Suốt một tháng sau đó, Đào không còn hứng thú với những chiếc xe đắt tiền, mà “chơi ngông” trộm cả xe cảnh sát, lái ngược về Côn Minh. Lúc này, anh ta đang bị cảnh sát Côn Minh truy nã nhưng vẫn muốn về chốn cũ chỉ vì nhớ nhung người tình. Khi đang hẹn gặp tình nhân ở khuôn viên trường đại học ngày 19/6/1992, Đào bị cảnh sát bao vây, bắt.

Sau khi bị bắt, Đào khai quá trình trốn chạy, do địa bàn liên quan quá rộng nên cảnh sát phải mất hai tháng để xác minh. Trong thời gian này, Đào thấy buồn chán vì bị nhốt trong trại tạm giam, bắt đầu tìm cách lấy lại tự do. Anh ta nghiên cứu kết cấu của trại tạm giam và chuẩn bị cho cuộc vượt ngục thứ hai.

Vì từng trốn tù, Đào được cảnh sát đặc biệt chú ý, mọi hành tung đều bị giám sát. Đào xúi giục hai bạn tù đào xuyên bức tường mỏng của phòng giam chỉ trong 4 ngày. Đồng thời, anh ta cố ý tiếp cận cán bộ quản giáo, tìm cơ hội quan sát chìa khóa trại giam trên người quản giáo, sau đó khắc lại trên thanh tre. Nhờ đó, Đào thành công vượt ngục vào tối 16/11/1992, nhưng hai đồng bọn của anh ta không may mắn thoát khỏi cảnh sát đi tuần.

Sau khi đào tẩu, Đào trốn đến thành phố Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây. Anh ta trộm một chiếc Peugeot bằng chìa khóa giả, nhưng phát hiện xe bị hỏng. Không từ bỏ chiếc xe mình thích, Đào giả vờ là chủ xe, nhờ người qua đường giúp đẩy xe đến tiệm sửa. Chủ tiệm phát hiện thiết bị khởi động của xe bị hỏng. Thời điểm đó, ôtô thường sử dụng động cơ có chổi than – vốn bị hao mòn theo thời gian. Sau khi tìm ra nguyên nhân, chủ tiệm chỉ cần thay mô tơ là xe có thể chạy bình thường. Nhưng Đào đã mất đi hứng thú ban đầu, vài ngày sau anh ta cố tình lộ dấu vết để cảnh sát tìm ra, bị bắt lần ba vào 8/12/1992.

Đào thay đổi suy nghĩ sau khi nghe lời nói của chủ tiệm sửa xe. Anh ta nảy ý tưởng chế tạo động cơ không chổi than, khắc phục nhược điểm của động cơ có chổi than hiện tại. Để thực hiện ý tưởng, Đào “chọn” nhà tù làm nơi nghiên cứu vì ở đây không lo bị cảnh sát bắt, cũng không cần lo ăn uống hay bị ai làm phiền.

Trước đây, động cơ không chổi than được độc quyền bởi công nghệ Nhật Bản, các công ty Trung Quốc bị hạn chế bởi bản quyền sáng chế, nếu có thể tự phát minh ra động cơ không chổi than thì sẽ mang lại rất nhiều lợi ích.

Sau khi xem xét tính khả thi, lãnh đạo cảnh sát Côn Minh phá lệ chấp thuận yêu cầu của Đào, cung cấp cho anh ta một nơi thí nghiệm đơn giản. Nhưng khi còn chưa phát minh ra động cơ mới. Đào bị đưa ra xét xử và bị phán tử hình vì tội lừa đảo, trộm cắp, bỏ trốn, ngày 1/11/1993. Sau phiên tòa phúc thẩm vào tháng 12/1993, tòa phê chuẩn bản án tử hình của Đào, thi hành án trong 7 ngày.

Lý Hồng Đào. Ảnh: Sina
Lý Hồng Đào. Ảnh: Sina

Trong thời gian đợi thi hành án, Đào vẫn không ngừng nghiên cứu, đồng thời ghi chép lại tài liệu với mong muốn có người kế tục sau khi anh ta chết. Thấy nỗ lực của Đào, lãnh đạo trại giam báo cáo lên cấp trên để cung cấp cho anh ta đầy đủ phương tiện thí nghiệm, không bị còng tay chân, đồng thời mời một số chuyên gia đến hướng dẫn.

Ngày 31/12/1993, ngay trước ngày hành quyết, cuộc thử nghiệm của Đào thành công. Giám đốc trại giam lập tức viết báo cáo yêu cầu dừng thi hành án với Đào, gửi đến Cục Công an thành phố Côn Minh, được cục trưởng phê duyệt và hỏa tốc trình lên TAND tỉnh Hồ Nam. Tòa chấp nhận sau khi nghị án.

Đào chế tạo thành công động cơ kích từ không chổi than đầu tiên ở Trung Quốc. Dù chưa thể hoàn toàn thay thế động cơ không chổi than của Nhật Bản, Đào đã giúp đẩy trình độ của Trung Quốc trong lĩnh vực này lên một bước tiến lớn.

Đào được tòa sửa đổi án tử hình thành tử hình treo vào 16/3/1995. Cùng năm, động cơ kích từ không chổi than do Đào phát minh giành được Giải Vàng của Triển lãm Phát minh Sáng chế Trung Quốc lần thứ 5, và hạng Nhất cuộc thi phát minh sáng chế xuất sắc của tỉnh Hồ Nam.

Ngày 25/12/1997, Đào được sửa án thành 17 năm tù. Ngày 25/7/2000, Đào nhận được ba bằng phát minh sáng chế và ba bằng sáng chế cho các mô hình tiện ích, được giảm hai năm tù. Ngày 1/7/2002, bản án của Đào được giảm thêm một năm rưỡi. Năm 2009, Đào được trả tự do.

Một trong những phát minh được nhiều người biết đến của Đào là thế hệ thẻ thông minh đầu tiên ở Trung Quốc. Ngoài ra, dựa trên kinh nghiệm hai lần vượt ngục, Đào còn thiết kế một hệ thống giám sát công nghệ điện tử, giúp nâng cao chỉ số an ninh của các trại giam.

By admin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *